Áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau
Từ ngày 02/08/2016, Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, theo quy định của Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và Nghị định 150/2003/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Công Thương thông báo nội dung chi tiết về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ như sau:
Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam, có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Đối với mã HS 9811.00.00, biện pháp tự vệ chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu được dẫn chiếu đến 3 mã HS gốc là: 7224.90.00; 7227.90.00; 7228.30.10; và không áp dụng với hàng nhập khẩu được dẫn chiếu đến các mã HS gốc còn lại. Các sản phẩm phôi thép và thép dài có một trong các đặc điểm sau đây được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ: (1) Phôi thép không có mặt cắt ngang hình chữ nhật (kể cả hình vuông), có chiều rộng lớn hơn 2 lần chiều dày, có kích thước trung bình chiều rộng và chiều dày <100mm hoặc >180mm; (2) Phôi thép chứa một trong các nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) thuộc phạm vi sau: C > 0,37%; Si > 0,60%; Cr > 0,60%; Ni > 0,60%; Cu > 0,60%; (3) Thép thanh tròn trơn, đường kính danh nghĩa lớn hơn 14 mm; (4) Thép chứa một trong các nguyên tố chứa hàm lượng phần trăm (%) thuộc phạm vi sau: C > 0,37%; Si >0,60%; Cr > 0,60%; Ni > 0,60%; Cu > 0,60%; (5) Thép dây hợp kim có mã HS 7227.90.00 dùng sản xuất que hàn (vật liệu hàn). Đối với các tổ chức/cá nhân nhập khẩu mặt hàng phôi thép và thép dài thuộc mục (1), (2), (3) và (4), để được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ, khi nhập khẩu hàng hóa cần cung cấp cho cơ quan hải quan các giấy tờ phù hợp để chứng minh hàng hóa nhập khẩu thỏa mãn các tiêu chí được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ như trên.
Quy định về quản lý than trôi
Kể từ ngày 25/8/2016, Thông tư số 13/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định quản lý than trôi Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc quản lý, thu gom, mua, bán than trôi có hiệu lực thi hành.
Theo đó, than trôi ngoài phần dành để đáp ứng nhu cầu sử dụng trực tiếp của người thu gom (nếu có), chỉ được phép tiêu thụ theo hình thức bán trực tiếp cho đơn vị thu mua. Việc thu mua than trôi của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu nhằm giảm tổn thất tài nguyên than, góp phần ngăn chặn tình trạng kinh doanh than trái phép.
Khối lượng, chất lượng than trôi làm căn cứ thanh toán giữa đơn vị thu mua và người thu gom được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa người thu gom và đơn vị thu mua, căn cứ tiêu chuẩn chất lượng than theo TCVN hoặc TCCS; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì xác định bằng các trang thiết bị, phương tiện của cơ quan giám định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Giá thu mua than trôi là giá bán (chưa có thuế GTGT) của TKV, Tổng công ty Đông Bắc cho các hộ sử dụng trong nước do TKV, Tổng công ty Đông Bắc xây dựng và công bố cho từng chủng loại than theo TCVN hoặc TCCS tương ứng, sau khi đã trừ đi các chi phí và các khoản thuế mà TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải nộp theo quy định.
Ban hành biểu mẫu thực hiện chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Từ ngày 20/08/2016, Thông tư số 11/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh và chấm dứt hoạt động của Chi nhánh theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định; chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thiết lập, quản lý, vận hành, duy trì hoạt động cơ sở dữ liệu về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn. Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương có trách nhiệm cập nhật thông tin có liên quan vào cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh, chấm dứt hoạt động của Chi nhánh. Cơ quan cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện có trách nhiệm cập nhật thông tin có liên quan vào cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện. Cơ quan cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương có trách nhiệm cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính đối với Văn phòng đại diện, Chi nhánh vào cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 2 Điều này sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
Thông tư 11 bãi bỏ Thông tư số 11/2006/TT-BTM ngày 28 tháng 9 năm 2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về xuất khẩu khoáng sản
Cũng từ ngày 20/8/2016, Thông tư số 12/2016/TT-BCT (Thông tư 12) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Thông tư 12 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản. Cụ thể, Sửa đổi Khoản 1 và Khoản 3 Điều 1 như sau: “1. Thông tư này quy định danh mục, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu và điều kiện khoáng sản xuất khẩu.” “3. Việc xuất khẩu khoáng sản theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc nhận gia công chế biến cho thương nhân nước ngoài để xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.”. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: “Điều 4. Điều kiện khoáng sản xuất khẩu. Khoáng sản được phép xuất khẩu phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Có tên trong danh mục và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này. Có nguồn gốc hợp pháp thuộc các trường hợp sau đây: Khoáng sản được khai thác, chế biến từ các mỏ, điểm mỏ có Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Khoáng sản nhập khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan cửa khẩu nhập khẩu thể hiện tại tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu; Khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại; Đối với khoáng sản tịch thu, phát mại phải có các chứng từ sau: Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, Phiếu xuất kho, Biên bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá; Sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến từ các nguồn khoáng sản hợp pháp nêu tại điểm a, b, c khoản này phải phù hợp với công nghệ chế biến của cơ sở chế biến.
Đối với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng ngoài việc đảm bảo các điều kiện nêu tại Khoản 1 và 2 Điều này phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.”
Hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia
Ngày 20/08/2016, Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT (Thông tư liên tịch 89) của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia bắt đầu có hiêu lực thi hành.
Thông tư liên tịch 89 hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với một số nội dung.
Cụ thể, Quy định về Danh mục các thủ tục hành chính áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia (sau đây gọi tắt là thủ tục hành chính một cửa) bao gồm: Thủ tục hành chính một cửa của Bộ Tài chính quy định tại Phụ lục I Thông tư liên tịch này; Thủ tục hành chính một cửa của Bộ Công Thương quy định tại Phụ lục II Thông tư liên tịch này. Thông tu Quy định về quy trình khai và tiếp nhận thông tin khai bằng phương tiện điện tử; các chứng từ điện tử được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa tại khoản 1 Điều này.
Thông tư liên tịch 89 cũng quy định về cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin để thực hiện thủ tục hành chính một cửa quy định tại khoản 1 Điều này giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Quy định về Cổng thông tin một cửa quốc gia. Những vấn đề khác liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa thuộc khoản 1 Điều này được thực hiện theo các quy định hiện hành. Đối với chứng từ điện tử được khai báo hoặc xuất trình với các cơ quan quản lý nhà nước theo Cơ chế một cửa quốc gia có thể được chuyển đổi từ chứng từ giấy nếu đảm bảo các điều kiện: Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy; Có chữ ký số đã đăng ký với Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia của người khai trên chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy.
Chứng từ giấy có thể được chuyển đổi từ chứng từ điện tử được cấp thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia nếu đảm bảo các điều kiện như: Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ điện tử; Có dấu hiệu nhận biết trên chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử được in ra từ Cổng thông tin một cửa quốc gia. Dấu hiệu nhận biết gồm các thông tin thể hiện chứng từ đã được ký số bởi cơ quan cấp phép hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia, tên và địa chỉ email và/hoặc điện thoại liên hệ của cơ quan ký, thời gian ký số. Dấu hiệu nhận biết do Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia công bố tại địa chỉ: https://vnsw.gov.vn; Có chữ ký, họ tên và con dấu hợp pháp của người khai trên chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử. Người khai phải lưu giữ chứng từ điện tử và chứng từ giấy theo quy định.
Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập xăng dầu, nguyên liệu để pha chế xăng dầu và hoạt động pha chế chuyển đổi chủng loại xăng dầu tại Kho ngoại quan xăng dầu
Từ ngày 16/08/2016, Thông tư 106/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập xăng dầu, nguyên liệu để pha chế xăng dầu và hoạt động pha chế chuyển đổi chủng loại xăng dầu tại Kho ngoại quan xăng dầu bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Xăng dầu chứa trong kho ngoại quan xăng dầu (sau đây gọi là kho) chỉ được phép chuyển loại để xuất kho đưa ra nước ngoài theo yêu cầu của chủ hàng trên cơ sở hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ chuyển loại để đưa ra nước ngoài, cụ thể: Chỉ được chuyển loại xăng dầu tương ứng với số lượng, chủng loại phù hợp với từng hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ chuyển loại để đưa ra nước ngoài; và Hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng dịch vụ chuyển loại để đưa ra nước ngoài quy định rõ số lượng, chủng loại, nơi nhận hàng là cảng, địa điểm ở nước ngoài; và Xăng dầu đã chuyển loại đưa ra nước ngoài không được tái nhập, chuyển tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, Thông tư 106 còn quy định, Việc pha chế xăng dầu được thực hiện bằng hình thức: bơm từ các bồn bể khác nhau vào chung một bồn, bể; được pha chế trên tuyến ống; các hình thức pha chế khác (nếu có). Chủ kho có trách nhiệm lưu trữ và xuất trình cho Chi cục Hải quan quản lý kho khi được yêu cầu đầy đủ các số liệu về số lượng, chủng loại các nguyên liệu, phụ gia, thành phẩm đầu vào khi pha chế cũng như các số liệu về số lượng, chủng loại, chất lượng, tỷ lệ hao hụt của các nguyên liệu, thành phẩm là sản phẩm của quá trình pha chế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm trước, sau quá trình pha chế và tỉ lệ hao hụt trong quá trình pha chế.
Đối với việc bơm xăng dầu, nguyên liệu nhập, xuất kho, xăng dầu, nguyên liệu chỉ được xuất, nhập kho sau khi đã hoàn thành đăng ký tờ khai nhập kho, khai báo xuất kho, và chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định. Chủ kho được bơm xăng dầu, nguyên liệu theo quy định như: Trên cơ sở hợp đồng thuê kho với chủ hàng (trường hợp chủ hàng đồng thời là chủ kho thì không yêu cầu hợp đồng thuê kho), chủ kho bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển xăng dầu, nguyên liệu vào bồn, bể thuộc kho. Trường hợp bơm xăng dầu, nguyên liệu vào bồn, bể đã chứa xăng dầu, nguyên liệu, chủ kho phải đảm bảo cùng chủng loại, cùng chất lượng với xăng dầu, nguyên liệu đang chứa trong bồn, bể đó và chủ kho chịu trách nhiệm về chủng loại, chất lượng.
Trường hợp chủ kho có bồn bể liên hoàn và có hệ thống máy tính kiểm soát việc bơm xăng dầu, nguyên liệu đã đáp ứng quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư số 69/2016/TT-BTC ngày 06 tháng 05 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu, khí; dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí (sau đây gọi là Thông tư số 69/2016/TT-BTC) thì chủ kho thông báo việc bơm xăng dầu, nguyên liệu cho cơ quan hải quan (bao gồm các thông tin về địa điểm, thời gian, khối lượng bơm) và cơ quan hải quan căn cứ vào số liệu của hệ thống máy tính để giám sát quản lý kho, bồn bể của kho, khối lượng xăng dầu xuất, nhập kho. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý kho căn cứ tình hình thực tế giám sát quyết định hình thức giám sát phù hợp.
Thời hạn lưu giữ, bảo quản xăng dầu, nguyên liệu tại kho phải phù hợp với hợp đồng thuê kho, hợp đồng pha chế hoặc hợp đồng chuyển loại và tuân thủ nội dung quy định tại Điều 61 Luật Hải quan năm 2014, Điều 84 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.