Phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10 được TAND Hà Nội mở theo kháng cáo của bà Nguyễn Thị Sợi (69 tuổi) đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường với người em rể là ông Đỗ Như Quế (55 tuổi, quận Hà Đông) vì gây thương tích cho mình.
Đến lúc ra phiên phúc thẩm lần này, giữa chị vợ và em rể vẫn còn những mâu thuẫn, xung khắc cả trong lời nói. Ông Quế luôn miệng gọi chị vợ là “bà ta”. Chủ tọa phiên xử đã phải nhắc nhở bị cáo điều chỉnh cách xưng hô. Trong khi đó, bà Sợi không để tâm vì cũng “không ưng” em rể.
Việc ông Quế phải ra trước vành móng ngựa vì tội Cố ý gây thương tích cho bà Sợi, xuất phát từ chuyện mua bán đất đai giữa hai người vào năm 1998. Ông Quế mua lại hai lô đất liền nhau, có tổng diện tích 72 m2 của chị vợ.
Thời điểm đó, ông Quế xây tạm căn nhà cấp 4 và có hàng rao bao quanh. Năm 2001, ông cho người em họ, mượn để ở. Năm 2012, chính quyền địa phương tiến hành xác định mốc giới để cấp sổ đỏ và đo lại mảnh đất trên, xác định diện tích bị chênh lên vài mét.
Biết thông tin này, tháng 9/2015, bà Sợi đâm đơn đề nghị chính quyền địa phương giải quyết số đất dư này. UBND phường sở tại đã quyết định, ông Quế trả lại diện tích đất thừa cho bà Sợi. Tuy nhiên, người em rể không thực hiện theo phán quyết đó, khiến bà Sợi ấm ức, nhiều lần đạp tường rào ngăn cách giữa hai nhà.
Mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài và đỉnh điểm xảy ra chiều cuối tháng 11/2015, khi ông Quế thấy chị vợ đứng bên phần đất nhà mình và cầm gậy gỗ thúc vào tường gạch. Yêu cầu bà Sợi dừng tay không được, ông Quế vượt rào sang nhà bà Sợi, đẩy vào cây gậy khiến người chị vợ ngã, chống tay xuống đất dẫn đến bị thương ở vùng cổ tay.
Vì cú đẩy trên, bà Sợi bị thương tật 16% sức khỏe, còn ông Quế vướng vòng lao lý. Bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND quận Hà Đông về hành vi cố ý gây thương tích, ông Quế phải nhận 9 tháng tù treo, phải bồi thường cho bà Sợi hơn 10 triệu đồng.
Bà Sợi cho rằng, mức án trên là nhẹ, khoản bồi thường còn quá ít. Bà không đồng tình và cho rằng, em rể phạm tội với người già và gây tật nhẹ ở tay nên đề nghị tòa tăng án.
Đại diện VKSND Hà Nội cho hay, theo luật, người già phải tính từ 70 tuổi trở lên. Đối với việc tật nhẹ chỉ áp dụng khi tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%. Do đó, viện kiểm sát đề nghị toà bác đơn kháng cáo của bị hại.
Khác với các vụ án hình sự, nữ chủ tọa “đóng vai” của một hòa giải viên. Chủ tọa khuyên giải, giữa bị cáo và bị hại vốn “người trong nhà" thì nên bỏ qua cho nhau, không nên để ân oán luẩn quẩn.
“Trong sự việc này, bị cáo mắc lỗi, đã phải đứng vành móng ngựa, phải trả giá nhưng bị hại cũng cần rút kinh nghiệm, mình là chị cần độ lượng trong ứng xử”, chủ tọa nói.
Kết thúc phiên phúc thẩm, toà giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm do không có tình tiết mới.