Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28-3-2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc: UBND cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài; trường hợp người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì UBND cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của một trong hai bên sẽ thực hiện việc đăng ký kết hôn; cơ quan đại diện.
Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện. Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, tại cơ quan đại diện không quá 20 ngày kể từ ngày các cơ quan này nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc; cơ quan đại diện yêu cầu cơ quan trong nước xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 35 ngày.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện tổ chức lễ đăng ký kết hôn. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ đăng ký kết hôn và giao cho mỗi bên vợ, chồng 1 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam; bên kết hôn là công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú đối với người không quốc tịch; việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định; có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn; một hoặc cả hai bên kết hôn là người đang có vợ, đang có chồng; một hoặc cả hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; các bên kết hôn là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời; các bên kết hôn đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rễ, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng; các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).
Ngoài ra, việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Nghị định này còn quy định việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam. Sở Tư pháp và cơ quan đại diện có thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
UBND cấp xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước làng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật về đăng ký hộ tịch.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-5-2013.
PHƯƠNG DUNG (thực hiện)