Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: “1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.Như vậy, cấu thành cơ bản của tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nêu trên, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự chỉ là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thế nhưng, Điều 260 BLHS năm 2015 quy định tội: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: “1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Như vậy,cấu thành cơ bản của Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Qua đó cho thấy, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS năm 1999 chỉ là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, còn theo Điều 260 BLHS năm 2015 quy định người tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ như đã nêu trên thì phải chịu trách nhiệm hình sự, tức là ngoài người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như điều khiển xe ô tô, xe gắn máy, xe mô tô, xe đạp điện, xe đạp…theo Điều 202 BLHS năm 1999, Điều 260 BLHS năm 2015 còn quy định cả người tham gia giao thông mà không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như người đi bộ, người dắt trâu, bò người kéo xe cộ, người đẩy cộ rùa…tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc các trường hợp quy định từ Điểm a đến điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì ngoài người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ còn có người không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà tham gia giao thông gây ra các trường hợp như đã nêu trên thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015.