|
Tên lửa Hwasong-15 rời bệ phóng. Ảnh: Rodong Sinmun. |
Triều Tiên sáng sớm 29/11 phóng thử tên lửa đạn đạo (ICBM) Hwasong-15, tuyên bố tên lửa có khả năng mang "đầu đạn siêu trọng" và tầm bắn bao trùm Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Hwasong-15 bay cao hơn mọi tên lửa Triều Tiên từng phóng và cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sớm đe dọa "mọi nơi trên thế giới".
AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cùng ngày cho biết nước này vẫn không thay đổi đánh giá rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington hiện đủ sức chặn các đợt tấn công tên lửa từ Bình Nhưỡng nhưng khả năng này không phải mãi mãi.
"Tôi không nghĩ họ có thể tấn công Mỹ thành công vào lúc này", quan chức trên nói. "Đánh giá chung là chúng tôi có thể chặn mọi thứ Triều Tiên hiện có. Trong tương lai, tôi không rõ".
Mỹ đã dành nhiều năm và hàng tỷ USD để phát triển công nghệ chặn tên lửa đạn đạo. Quốc hội Mỹ đang tăng chi quốc phòng để Lầu Năm Góc tiếp tục nỗ lực này.
Mỹ hiện có hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD). GMD phóng tên lửa đánh chặn vào không gian và dùng động năng để diệt mục tiêu. Mỹ có 44 hệ thống đánh chặn tại Fort Greely, Alaska và căn cứ không quân Vandenberg, California.
Quan chức Mỹ mô tả GMD có thể bảo vệ toàn bộ lục địa Mỹ và các lãnh thổ nên Washington chưa cần phải bố trí hệ thống tại bờ Đông. Ngoài ra, Mỹ cùng đồng minh còn có các Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), chuyên đánh chặn tên lửa tầm ngắn, trung, xa trong giai đoạn cuối.
Michael Elleman, nhà nghiên cứu cấp cao về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định Triều Tiên vẫn chưa thể tấn công bờ tây Mỹ bằng một ICBM.
"Triều Tiên dường như đã có một chút tiến bộ trong nỗ lực làm chủ công nghệ ICBM", Elleman viết trên 38 North, website chuyên phân tích về Triều Tiên. "Triều Tiên cần nhiều cuộc thử nghiệm nữa để thiết lập được hiệu suất và độ tin cậy cho ICBM".