Theo Điều 15 Bộ luật Hình sự 1999: “1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau: “1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt tù từ hai năm đến 5 năm”.
Trong trường hợp tội phạm này, nạn nhân là người có hành vi tấn công, xâm hại lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Hành vi giết người là việc "chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại” dẫn đến hậu quả chết người.
Ví dụ, do va chạm giao thông, một thanh niên dùng gậy tấn công người đi đường và người này đã chống trả để tự vệ. Tuy nhiên sau khi quật ngã, khống chế được đối thủ khiến không thể gây nguy hiểm được nữa, người này vẫn tiếp tục hành hung khiến họ tử vong thì phải chịu trách nhiệm về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội Vô ý làm chết người như sau:
“1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm”.
Theo quy định vừa trích dẫn, hành vi vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Cũng có khi người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước hậu quả. Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Ví dụ, việc trêu đùa, đẩy một người bạn xuống nước nhưng không ngờ người đó chết đuối vì không biết bơi hoặc do cẩu thả trong việc cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác…
Theo những căn cứ vừa trích dẫn, tội Vô ý làm chết người và Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khác nhau cơ bản ở hành vi khách quan và lỗi của người phạm tội.
Với tội Vô ý làm chết người, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội do lỗi vô ý, dẫn đến hậu quả làm chết người. Còn với tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người phạm tội với lỗi cố ý khi thực hiện hành vi phòng vệ mà hành vi này rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người.