Tư vấn dịch vụ Hotline:0907.487 583
 Dịch vụ pháp lý  
1/. Tư vấn pháp luật.
.....................................................
2/. Tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các vụ án Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Lao động, Hành chính tại tòa án các cấp
....................................................... 
3/. Đại diện cho khách hàng tham gia tố tụng nhiều lĩnh vực pháp luật.
...................................................... 
  4/. Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo qui định của pháp luật.
...................................................... 
  5/. Dịch vụ nhà đất: Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Chuyển nhượng; Tặng cho, Thừa kế.
6/. dịch vụ khác
 Tin Tức Pháp Luật  
Thống kê truy cập
Đang online:                     7
Lượt truy cập:           659555
Liên kết website


Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong bộ luật hình sự năm 2015
1. Tính cấp thiết của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân   

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước ta khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013 đang ngày càng đi sâu vào thực tế cuộc sống với những quy định làm nền tảng cho những văn bản pháp luật khác, đáp ứng được bối cảnh nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, diễn ra trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng cũng được Nhà nước xem là một trọng tâm trong tiến trình cải cách, đổi mới, là một trong những yêu cầu bức bách của việc hoàn thiện bộ máy Nhà nước, phục vụ tốt nhất cho công cuộc đổi mới đất nước.

Bộ luật hình sự  năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) (sau đây gọi là BLHS năm 1999) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hộicủa đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, bên cạnh những tích cực, những thành tựu đạt được thì kinh tế thị trường đã phát sinh những mặt trái, trong đó là tình hình và tỷ lệ tội phạm gia tăng cả về mức độ lẫn tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội,  nổi lên là loại tội phạm do pháp nhân thực hiện như tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tội phạm môi trường... gây ra những thiệt hại lớn cho đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự  - an ninh xã hội nhưng chưa được quy định trong BLHS như là một tội phạm.

Trong nền kinh tế thị trường không ít tổ chức kinh tế (pháp nhân thương mại, sau đây gọi chung là pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng như buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán… Đa số những trường hợp trên là do cơ quan lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân thực hiện vì lợi ích của pháp nhân hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức cao và có những trường hợp mang tính quốc tế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và cho đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh.

Ví dụ như vụ công ty Vedan có vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan) thực hiện hành vi gian lận tinh vi trong việc xả chất thải ra sông Thị Vải, gây thiệt hại lớn không chỉ là ô nhiễm chết cả một dòng sông mà thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, kinh tế của người dân…nhưng việc xử lý mới chỉ dừng lại ở xử lý hành chính và bồi thường dân sự nên chưa đủ sức răn đe[1]… Hay như vụ các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều tra, xác định bước đầu các hố chôn chất thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại khu vực xưởng sang chai, đóng gói của công ty CP Nicotex Thanh Thái (trụ sở tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) Tại khu vực thi công số 1 gồm có: bao bì chứa thuốc BVTV, vỏ chai đựng thuốc nghiền nhỏ, cát trộn lẫn thuốc BVTV lẫn đất (ước khoảng hơn 20 tấn). Ngoài ra, đất nghi ngờ nhiễm thuốc BVTV ước khoảng 150 tấn[2]. Hay vào ngày 14/4/2010, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C36) phát hiện vụ xả thải trái phép ra sông Ghẽ từ khu vực sản xuất khung nhôm định hình tại Công ty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan) ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, vụ việc được đánh giá nghiêm trọng như Vedan. Nhà máy cồn rượu thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi xả thải hơn 20.575 m3 hèm ra sông Trà Khúc chưa qua xử lý gây ô nhiễm từ tháng 5/2009 - 4/2010[3]...

Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp nhập phế liệu nhựa về nước ta dưới hình thức nhập nguyên liệu sản xuất hoặc tạm nhập, tái xuất vẫn tiếp tục xảy ra, phổ biến tại Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp đã có thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan, thậm chí móc nối với một số tổ chức kiểm định, giám định để có kết luận hàng hoá đạt tiêu chuẩn về môi trường, nhằm được thông quan, qua đó đưa phế liệu, rác thải vào nước ta, cũng đang gia tăng. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường, chỉ tính từ năm 2007 đến hết năm 2010, các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện 2.575 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có trên 200 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chủ yếu là nhập chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp. Cơ quan chức năng đã phạt tiền, truy thu phí bảo vệ môi trường trên 142 tỷ đồng; buộc tái xuất và tiêu hủy 325 tấn rác thải, 3.150 tấn nhựa phế liệu, hơn 10.000 tấn thép phế liệu và gần 6.200 tấn ắc-quy chì phế thải[4].

Thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua đã cho thấy, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân vi phạm tỏ ra bất cập, kém hiệu quả. Mặc dù quy trình xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân có ưu điểm là nhanh, kịp thời nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, minh bạch và không giải quyết được triệt để quyền lợi của người dân bị thiệt hại mà họ phải tự chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính không có đội ngũ cán bộ chuyên trách để điều tra, chứng minh vi phạm cũng như hậu quả của vi phạm. Như vụ sự cố tràn dầu tại cảng Cát Lái (Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) do tàu Neptune Aries (Singapore) gây ra vào ngày 03/10/1994 làm tràn gần 1.700 tấn dầu vào nguồn nước, làm ô nhiễm diện tích khoảng 65.000 ha, trong đó gần 40.000 ha bị ô nhiễm nặng[5]. Giá trị thiệt hại mà các tổ chức và cá nhân thuộc tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh phải gánh chịu ước tính 20.000.000 USD, trong khi đó, Tòa án chỉ buộc công ty sở hữu tàu bồi thường thiệt hại hơn 03 tỷ đồng – một con số quá nhỏ so với thiệt hại ban đầu. Những người gây ra hành vi tràn dầu này cũng chỉ bị xử lý hành chính, theo quy định của pháp luật hành chính lúc này, hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường chỉ có thể bị xử phạt tối đa là 70 triệu đồng.

Mặt khác, trong điều kiện chúng ta đang triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp được Quốc hội thông qua đã có nhiều đổi mới theo hướng mở rộng quyền cho các doanh nghiệp, đồng thời, theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp do tập thể thông qua (Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông). Vì vậy, nếu trong trường hợp này chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì sẽ không công bằng. Hơn nữa, có trường hợp khó xác định được cụ thể người phải chịu trách nhiệm chính để xử lý hình sự. Ngoài ra, trên thực tế cũng đã có trường hợp cá nhân lợi dụng danh nghĩa tập thể để thực hiện hành vi phạm tội nhằm trốn tránh trách nhiệm. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy có một số khoảng trống trong việc xử lý vi phạm của pháp nhân, nhất là trong lĩnh vực tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, khủng bố, tài trợ khủng bố ..... thể hiện ở chỗ đối với cá nhân có hành vi vi phạm này thì bị xử lý hình sự, trong khi đó nếu pháp nhân cũng thực hiện các hành vi này, thậm chí là ở quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn thì không xử lý được kể cả hình sự lẫn hành chính, gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, và gây cản trở cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của đất nước ta. Đây là bất cập cần được khắc phục và điều này cũng góp phần thực thi điều ước có liên quan mà nước ta là thành viên.Theo Phó chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội Trịnh Quốc Toàn[6] cho rằng, nếu chỉ xử lý về hình sự đối với người đại diện, những người được ủy quyền hoặc những nhân viên thừa hành thực hiện thì rõ ràng là bỏ lọt tội phạm, trái với nguyên tắc công bằng trong Bộ luật Hình sự (sau đây gọi là BLHS). Đã đến lúc vấn đề TNHS của pháp nhân - tổ chức phải được giải quyết về mặt hình sự một cách trực tiếp[7].

Đồng thời, với tư cách là quốc gia thành viên APG, nước ta có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong đó có Khuyến nghị 2 liên quan đến việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân “...b) Trách nhiệm hình sự và khi điều này không áp dụng được thì trách nhiệm dân sự hoặc hành chính, sẽ áp dụng với các pháp nhân. Quy định này không loại trừ các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính đang diễn ra song song liên quan tới pháp nhân đó tại quốc gia khác mà tại đó những hình thức trách nhiệm này có thể áp dụng. Pháp nhân cần phải chịu các hình phạt có hiệu quả, tương xứng và có tính răn đe. Các biện pháp đó cần áp dụng mà không gây ảnh hưởng gì tới trách nhiệm hình sự cá nhân”. 

Hay Việt Nam đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (Công ước TOC), theo đó Công ước TOC yêu cầu tất cả quốc gia thành viên áp dụng những biện pháp cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia vào các nhóm tội phạm nghiêm trọng… gồm hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức, rửa tiền, cản trở công lý. Trách nhiệm pháp lý ở đây có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hay hành chính. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hầu hết các hành vi mà công ước yêu cầu lại không được coi là vi phạm hành chính theo pháp luật Việt Nam nên không thể buộc tổ chức chịu trách nhiệm hành chính đối với hầu hết tội phạm này, cụ thể là quy định tại Điều 10 Công ước TOC quy định: “Mỗi quốc gia thành viên sẽ ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia vào các tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức và trong việc thực hiện những hành vi phạm tội theo quy định tại các điều 5, 6, 8 và 23 của Công ước này; 2. Với điều kiện không trái với các nguyên tắc pháp luật của quốc gia thành viên, pháp nhân có thể phải chịu TNHS, dân sự hoặc hành chính; 3. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân không ảnh hưởng đến TNHS của những thể nhân đã thực hiện hành vi phạm tội; 4. Đặc biệt là mỗi quốc gia thành viên phải đảm bảo áp dụng đối với những pháp nhân bị quy kết trách nhiệm pháp lý theo quy định tại điều này những biện pháp chế tài hiệu quả, tương ứng với tính chất và mức độ của tội phạm và đủ sức răn đe, có thể là chế tài hình sự, chế tài phi hình sự hoặc phạt tiền”.

Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, nhất là vào thời điểm hiện tại cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập, cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư, làm ăn ngày càng nhiều và ngược lại các doanh nghiệp nước ngoài cũng vào Việt Nam đầu tư, làm ăn. Nếu pháp luật nước ta hiện hành chỉ áp dụng cơ chế xử phạt hành chính đối với pháp nhân vi phạm thì sẽ có sự bất công là cùng hành vi vi phạm nghiêm trọng tương tự nhau mà doanh nghiệp nước ta hoạt động ở nước ngoài thì bị xử lý hình sự theo pháp luật của nước sở tại (nhất là ở 06 nước ASEAN có quy định xử phạt hình sự pháp nhân), còn đối với doanh nghiệp hoạt động ở nước ta (kể cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài) thì chỉ bị xử phạt hành chính.

Có thể thấy, liên quan đến chế định TNHS của pháp nhân là một chuỗi các vấn đề cần được quy định từ chủ thể chịu trách nhiệm bao gồm những loại pháp nhân nào, tổ chức không phải là pháp nhân có phải chịu trách nhiệm, tội phạm cụ thể có thể quy kết, điều kiện quy kết trách nhiệm đến hệ thống hình phạt áp dụng[8]. Do đó, việc bổ sung quy định TNHS đối với pháp nhân vào BLHS sẽ làm thay đổi hoàn toàn các quan niệm trước đây về cơ sở TNHS, năng lực trách nhiệm hình sự, lỗi, hình phạt. Đồng thời, việc quy định TNHS đối với pháp nhân sẽ đáp ứng được tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện, thể hiện thông qua 02 Nghị quyết quan trọng, đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Hiện nay, theo thống kê mới nhất thì trên thế giới có 119 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như Nhật Bản, Trung Quốc,Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Slovakia, Hungari, Lavia, Estonia, Croatia,… trong đó, khu vực ASEAN có 06 nước như Singapo, Malaixia, Thái Lan, Philipin, Indonexia và Campuchia. Đặc biệt,Trung Quốc là nước có nhiều nét tương đồng về truyền thống lập pháp với nước ta cũng đã có quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Như trong BLHS Trung Quốc quy định chủ thể của tội phạm xâm phạm tài nguyên rừng là pháp nhân tại Điều 346 BLHS Trung Quốc: "Đơn vị nào phạm những tội quy định từ Điều 338 đến Điều 345 của Mục này sẽ bị phạt tiền; đối với những người quản lý trực tiếp và những nhân viên chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt theo quy định tại các điều nói trên của Mục này"[9].
Pháp luật hình sự hiện hành, cụ thể là BLHS năm 1999 chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân, hay cụ thể hơn là chưa quy định trách nhiệm hình sự (sau đây gọi là TNHS) đối với pháp nhân. Pháp luật hình sự nước ta đến nay, theo quy định tại Điều 2 BLHS về cơ sở của TNHS thì "Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu TNHS". Và trong phần khái niệm của tội phạm BLHS cũng quy định "Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố sý hoặc vô ý". Qua đó cho thấy, BLHS của nước ta quy định chỉ truy cứu TNHS đối với các cá nhân phạm tội, chứ không áp dụng cho các đối tượng là pháp nhân.

Đứng trước những vấn đề đang đặt ra , ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với pháp nhân phạm tội.

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự nước ta, BLHS và  BLTTHS năm 2015 đã ban hành những quy định về TNHS của pháp nhân, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và  Hiến pháp năm 2013. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của 02 Bộ luật với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, đấu tranh chống tham những có hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước[10].

Chính vì thế, việc giới thiệu cũng như tìm hiểu những quy định về TNHS của pháp nhân trong BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015 là rất cần thiết, giữ vai trò rất quan trọng trong việc đưa những quy định này đi vào thực tế đời sống xã hội một cách sâu rộng, đạt hiệu quả cao, trong đó tập trung chủ yếu vào văn bản BLHS năm 2015.

2. Khái quát lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam về TNHS đối với pháp nhân

Lịch sử hình thành và phát triển của luật Hình sự Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy: Pháp luật hình sự nước ta với sự ghi nhận nguyên tắc lỗi và nguyên tắc phân hóa TNHS, đồng thời với việc không ghi nhận nguyên tắc TNHS đối với người khác và TNHS của pháp nhân. Pháp luật hình sự nói chung và quan điểm về việc thiết lập TNHS đối với pháp nhân nói riêng ở nước ta trong thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều bởi hệ thống pháp luật hình sự của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu - là những nước không thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân. Vì lẽ đó, trong lĩnh vực khoa học pháp lý hình sự một thời gian dài hầu như không đặt ra vấn đề nghiên cứu thiết lập TNHS đối với pháp nhân.

Tuy nhiên, trong lịch sử xây dựng, hình thành và phát triển pháp luật hình sự của nước ta từ sau năm 1945 đến nay, có một số văn bản pháp luật và một số bản dự thảo luật có quy định vấn đề TNHS đối với pháp nhân. Cụ thể:

+ Trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 1985 (trước khi ban hành BLHS năm 1985), pháp luật hình sự giai đoạn này mang đặc điểm là nước ta chưa ban hành một BLHS chính thức, mà những quy định pháp luật hình sự được nằm xen kẽ trong các văn bản pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn này, cũng sơ khai một số quy định về TNHS đối với pháp nhân, nhưng không mang tính phổ quát, chưa mang tính cụ thể, còn mang tính tùy nghi, nặng về TNHS đối với cá nhân, nhưng cũng thể hiện được bước tiến bộ trong trình độ lập pháp trong giai đoạn này, như:

Vào ngày 14/12/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 282/SL kèm theo Luật về chế độ báo chí, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bởi Luật số 100/SL/L002 ngày 20/05/1957, Điều 13 quy định "Báo chí nào vi phạm Điều 8, sẽ bị trừng phạt: tịch thu ấn phẩm, đình bản vĩnh viễn và bị truy tố trước Tòa án sẽ bị phạt tiền từ mười vạn đồng đến năm mươi vạn đồng, hoặc người có trách nhiệm bị phạt tù từ một tháng đến một năm, hoặc cả hai hình phạt đó" hoặc "Báo chí nào vi phạm Điều 9 hoặc Điều 12 sẽ bị trừng phạt: tùy theo lỗi nặng nhẹ mà bị cảnh cáo, tịch thu ấn phẩm, đình chỉ tạm thời, đình chỉ vĩnh viễn, hoặc bị truy tố trước Tòa án, có thể bị phạt tiền từ mười vạn đồng đến một triệu đồng...".

+ Từ năm 1985 đến trước khi BLHS năm 1999 được ban hành, các nhà lập pháp cũng đề cập đến việc cần thiết quy định TNHS đối với pháp nhân, nhất là trong quá trình sửa đổi bổ sung BLHS năm 1985. Cụ thể, ngay tại khoản 2 Điều 2 Bản Dự thảo lần thứ X (tháng 3/1998) đã đề cập đến vấn đề TNHS đối với pháp nhân "Cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là tổ chức) phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do người đại diện của mình thực hiện vì lợi ích của tổ chức đó". Tuy nhiên, khi BLHS năm 1999 được thông qua, quy định về TNHS đối với pháp nhân đã không được quy định vì các nhà lập pháp chưa thống nhất với nhau. Và đến lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 vào năm 2009, mặc dù, khi Nhà nước tiến hành tổng kết thực tiễn 10 năm áp dụng BLHS năm 1999 và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật này, vấn đề TNHS của pháp nhân lại một lần nữa được đề cập đến khi bàn về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999. Kết hợp với yêu cầu thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý kinh tế... đã thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học, các luật gia… quan tâm nghiên cứu vấn đề TNHS của pháp nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 vấn đề TNHS đối với pháp nhân vẫn chưa được quy định.

Điểm chung trong hai giai đoạn này, là do chưa thừa nhận pháp nhân là chủ thể của pháp luật hình sự cho nên trong văn bản BLTTHS chưa có những quy định cho loại chủ thể này.

+ Sau hơn 14 năm thi hành BLHS năm 1999, bên cạnh những mặt tích cực đạt được trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ và phát triển đất nước, thì BLHS năm 1999 cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế do sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có yêu cầu cấp thiết là cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung BLHS theo hướng quy định TNHS đối với pháp nhân. Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước trong điều kiện mới, Quốc Hội nước ta đã ban hành BLHS năm 2015, trong đó có những quy định hoàn toàn mới về TNHS đối với pháp nhân, đánh dấu bước phát triển hoàn toàn mới trong nền lập pháp của nước ta.

Tóm lại, lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự nước ta về TNHS đối với pháp nhân tuy trải qua nhiều giai đoạn với những quy định khác nhau, với những cách nhìn nhận khác nhau về TNHS đối với pháp nhân, nhưngnhìn chung đều mang tính tiến bộ, phù hợp với từng điều kiện phát triển của đất nước, từ sơ khai trong Sắc lệnh số 282/SL được ban hành kèm theo Luật về chế độ báo chí năm 1956 đến quy định cụ thể trong BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015.

3. Những quy định mới trong BLHS năm 2015 về TNHS đối với pháp nhân

3.1. Khái niệm TNHS đối với pháp nhân

Để nắm rõ những quy định mới trong BLHS năm 2015 về TNHS đối với pháp nhân, chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm của TNHS đối với pháp nhân. Theo đó:
TNHS là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình, bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu TNHS, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của TNHS là hình phạt, biện pháp tư pháp và mang án tích[11]. TNHS của pháp nhân không vượt ra khỏi nội hàm của khái niệm TNHS, chỉ khác ở điểm, thay vì trước đây TNHS chỉ áp dụng cho cá nhân người phạm tội thì nay có thể áp dụng cho pháp nhân. Như vậy, TNHS của pháp nhân trong khoa học pháp luật hình sự có thể hiểu là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân do luật hình sự quy định.

Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015, quy định khái niệm tội phạm, trong đó bổ sung chủ thể là pháp nhân thương mại[12], theo đó khi pháp nhân thực hiện hành vi bị coi là tội phạm, xâm hại đến các giá trị, quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ thì pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm, tức phải chịu TNHS - hậu quả pháp lý bất lợi được biểu hiện cụ thể ở những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước áp dụng, tước bỏ hay hạn chế các quyền và lợi ích của pháp nhân không bị bất kỳ sự cản trở nào. Pháp nhân phải tự mình gánh chịu TNHS, không thể ủy thác hoặc chuyển cho một pháp nhân khác như cơ quan quản lý cấp trên hay cho một pháp nhân con của mình chịu thay được.

TNHS của pháp nhân sẽ được áp dụng thông qua một trình tự thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong hoạt động tố tụng. TNHS của pháp nhân cũng phải được thể hiện rõ ràng trong bản án hay quyết định của Tòa án và một pháp nhận cũng chỉ bị coi là có tội khi bị kết án bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bản án là cơ sở pháp lý khẳng định một pháp nhân có tội hay không, quy định các hình thức TNHS mà pháp nhân phạm tội phải gánh chịu. Bản án hay quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật sẽ được đưa ra thi hành và có hiệu lực bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước cũng như mọi cá nhân và như vậy, TNHS đối với pháp nhân sẽ được bảo đảm thi hành trên thực tế.

3.2. Những quy định mới trong BLHS năm 2015 về TNHS đối với pháp nhân

So với BLHS năm 2015, thì BLHS năm 1999 do ban hành từ năm 1999nên chưa thể chế hoá được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm. Thông qua các nghị quyết này Đảng ta chỉ rõ cần phải “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội... Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”, cho nên, BLHS năm 1999 không quy định TNHS đối với pháp nhân.

Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” mà một biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào BLHS chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do BLHS quy định[13].

Trên cơ sở đánh giá tình hình, điều kiện mới, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định TNHS của pháp nhân thương mại. Đây là một nội dung mới, quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, bên cạnh nguyên tắc cá thể hóa TNHS, luật hình sự Việt Nam đã đặt ra TNHS của pháp nhân thương mại trong một số tội theo quy định của Bộ luật. Điều này, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh, xử lý tội phạm trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Bộ luật và qua kết quả lấy ý kiến Nhân dân, đa sốđã tán thành việc quy địnhTNHScủa pháp nhân. Qua thảo luận, Quốc hội đã nhất trí thông qua việc bổ sung các quy định mới về TNHS đối với pháp nhân, trong đó vẫn theo truyền thống xây dựng BLHS trước đây là chia BLHS thành hai phần trọng điểm:

· Phần thứ nhất: Những quy định chung, trong Phần thứ nhất này, lần đầu tiên trong các nhà lập pháp nước ta đã xây dựng những điều khoản quy định TNHS đối với pháp nhân, cụ thể:

- Thứ nhất, những điều khoản mới quy định chung về cơ sở TNHS, nguyên tắc xử lý, hiệu lực xử lý, khái niệm, hình phạt, loại hình phạt trong BLHS năm 2015

+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở TNHS “2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển pháp luật hình sự nước ta quy định cơ sở TNHS đối với pháp nhân thương mại, và cũng là quy định mang tính tiền đề, làm nền tảng cho những quy định khác về TNHS đối với pháp nhân trong BLHS năm 2015.

Ở đây, cần hiểu khái niệm pháp nhân thương mại theo đúng tinh thần của Ban soạn thảo BLHS năm 2015 và chỉ đạo của Chính phủ là chỉ nên đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế. Còn những pháp nhân khác hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân (ví dụ:cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, ...) thì sẽ không là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo các Điều 74, Điều 75, Điều 76 Chương IV BLDS năm2015 quy định có 02 loại pháp nhân, pháp nhân thương mại (gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác), pháp nhân phi thương mại (gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác). Và theo Khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015, chỉ có pháp nhân thương mại phạm các tội theo Điều 76 của Bộ luật này mới chịu TNHS. Như vậy, các pháp nhân phi thương mại như cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân... được bãi bỏ TNHS. Và chỉ pháp nhân gắn với hoạt động thương mại mới chịu TNHS. Thực tế cho thấy, gần đây các vụ việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp về môi trường, kinh tế do các pháp nhân thương mại thực hiện ngày càng tinh vi và để lại hậu quả nghiêm trọng như vụ công ty Vedan (Đồng Nai) Công ty Nicotex (Thanh hóa), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường[14]... Như vậy, quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại là phù hợp với thực tiễn nhằm tạo tính răn đe cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phòng, chống các loại tội phạm mà chủ thể là pháp nhân vì lợi nhuận gây hại đến môi trường, kinh tế và các lĩnh vực khác.

+ Bổ sung nguyên tắc xử lý pháp nhân phạm tội (Điều 3), cụ thể tại Khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định:

2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;

c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”

BLHS 2015 xử lý hình sự đối với pháp nhân dựa trên bốn nguyên tắc trên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời thể hiện sự mềm dẻo trong việc xử lý đối với từng loại pháp nhân phạm tội.

+ Tại Chương II – Hiệu lực của BLHS, quy định pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 6 BLHS năm 2015):“2. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Quy định này mang tính pháp điển hóa những quy định trong các Điều ước quốc tế về tội phạm mà Việt Nam là thành viên như Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971; Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000; Công ước chống tham nhũng năm 2003; Công ước chống tra tấn năm 1984; và các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, cướp biển, bắt cóc con tin,... thông qua việc pháp điển hóa hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại nước ngoài, giúp nước ta vừa bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, vừa giúp cho hoạt động giao lưu, trao đổi kinh tế với các nước trên thế giới được bình đẳng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

+ Tại Chương III – Tội phạm, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật hình sự, khái niệm về tội phạm đã được mở rộng bao gồm cả pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 8 BLHS năm 2015): “1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn với BLHS năm 1999, qua đó tạo cơ sở vững chắc để truy cứu TNHS đối với pháp nhân, mang bốn đặc trưng của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi, tính phải chịu hình phạt và đối với pháp nhân còn phải đảm bảo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2005[15] (sau đây gọi là BLDS năm 2005) và Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015[16](sau đây gọi là BLDSnăm 2015).

+ Tại Chương VI – Hình phạt, so với BLHS năm 1999, thì BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm hình phạt theo hướng mở rộng chủ thể, Điều 30 BLHS năm 2015 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhânthương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”. Đồng thời, BLHS năm 2015 còn quy định mục đích của hình phạt đối với pháp nhân thương mại ngoài việc trừng trị còn nhằm mục đích giáo dục, răn đe, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phảm, bảo đảm an toàn và sự phát triển của xã hội[17], qua đó góp phần đảm bảo sự công bằng trong xử lý hình sự giữa cá nhân với pháp nhân thương mại theo đúng nguyên tắc “Mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.

Theo ThS. Nguyễn Anh Tuấn và Chu Văn Chinh, quan niệm truyền thống cho rằng hình phạt không thể áp dụng hoặc có thể áp dụng nhưng không hiệu quả đối với pháp nhân. Tuy nhiên ngày nay hầu hết các nhà nghiên cứu và áp dụng luật hình sự đều cho rằng, có rất nhiều hình phạt không tước tự do có thể áp dụng được đối với pháp nhân. Đồng thời các hình phạt này không hề ảnh hưởng đến nguyên tắc cá thể hoá hình phạt. Hình phạt đối với pháp nhân quy định trong các nước như các hình phạt về tài sản, hình phạt về hạn chế hoạt động của pháp nhân, các hình phạt tác động đến tư cách của pháp nhân và cuối cùng là hình phạt chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân. Việc quy định hình phạt đối với pháp nhân ở mỗi quốc gia có sự khác biệt nhau. Trong pháp luật hình sự ở hầu hết các nước theo truyền thống pháp luật Common Law, Thuỵ Sỹ, Trung Quốc quy định hình phạt tiền là hình phạt duy nhất đối với pháp nhân; trong khi đó, pháp luật hình sự của các nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan lại quy định nhiều loại hình phạt khác nhau đối với mỗi pháp nhân như giải thể, cấm tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội, chịu sự giám sát tư pháp, cấm vĩnh viễn hoặc có thời hạn việc huy động vốn, tịch thu tài sản đã sử dụng để phạm tội hoặc có được do phạm tội, niêm yết quyết định đã được toà án tuyên hoặc thông báo trên các phương tiện truyền thông, đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở hoặc một trong các cơ sở của pháp nhân[18]

Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác và thực tiễn pháp nhân phạm tội ở Việt Nam để cụ thể hoá hình phạt đối với pháp nhân, tại Chương VI của BLHS năm 2015, lần đầu tiên pháp luật hình sự nước ta quy địnhcác hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bao gồm hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, cụ thể:

- Hình phạt chính: Khoản 1 Điều 33 BLHS năm 2015 quy định “1. Hình phạt chính bao gồm:a) Phạt tiền;b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.

- Hình phạt bổ sung: Khoản 2 Điều 33 BLHS năm 2015 quy định “2. Hình phạt bổ sung bao gồm:a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;b) Cấm huy động vốn;c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính”.

 Khoản 3 Điều 33 năm 2015 quy định “3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.

Một trong những đặc điểm nổi bật trong quy định hình phạt đối với pháp nhân là các nhà làm luật đánh mạnh vào mặt kinh tế của pháp nhân, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân là hoạt động vì lợi nhuận, đây là mặt trực tiếp và có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của pháp nhân. Đồng thời, những loại hình phạt mà BLHS năm 2015 quy định đối với pháp nhân thương mại, đã và đang được quy định là những hình thức xử lý vi phạm đối với pháp nhân trong những văn bản pháp luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012… và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, những hình thức xử lý này chưa đủ sức răn đe, giáo dục cho nên chưa mang lại hiểu quả đấu tranh phòng ngừa cao đối với pháp nhân có hành vi vi phạm. Chính vì thế, dưới góc độ là những loại hình phạt do BLHS quy định, mang tính nghiêm khắc, cưỡng chế nhà nước cao nhất thì sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm do pháp nhân gây ra một cách có hiệu quả[19].

- Thứ hai, một trong những bổ sung mới nhất, lớn nhất, thể hiện được bước tiến trong trình độ lập pháp của nước ta trong BLHS năm 2015 là các nhà lập pháp nước ta đã xây dựng riêng một chương mới - Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định vềđiều kiện, phạm vi chịu TNHS; các hình phạt và biện pháp tư pháp cụ thểáp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; việc quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn hình phạt và xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án. Các quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân thương mại nước ngoài tại Việt Nam[20]. Đồng thời Chương XI của  BLHS năm 2015 đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động xây dựng và ban hành pháp luật tại nước ta, thể hiện trình độ lập pháp tiến bộ, đáp ứng được sự phát triển của đất nước và đòi hỏi của thế giới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cũng như đáp ứng được đòi hỏi của quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm.

Cụ thể, Chương XI của BLHS năm 2015 gồm các điều từ Điều 74 đến Điều 89, trong đó:
+ Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhânthương mại phạm tội:Pháp nhân thương mạiphạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”, đây là quy định cụ thể hóa hơn cho quy định tại khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở của TNHS đối với pháp nhân.

+ Lần đầu tiên, BLHS xây dựng một điều khoản quy định điều kiện chịu TNHS đối với pháp nhân, đây là cơ sở cần thiết cho việc truy cứu TNHS trong những trường hợp cụ thể, đảm bảo tính hợp lý, tính đồng bộ và tính khả thi, cụ thể tại Khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định những điều kiện cần vả đủ để xác định TNHS đối với pháp nhân:

 “1. Pháp nhânthương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”

Việc quy định những điều kiện trên, đáp ứng được nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 2[21], Khoản 2 Điều 8[22] BLHS năm 2015, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng hành vi phạm tội gây oan sai. Có thể thấy, những điều kiện trên cho thấy pháp nhân là một thực thể hoạt động độc lập, có quyền tự quyết định những vấn đề của mình như tinh thần mà Điều 84[23] BLDS năm 2005, Điều 74[24] BLDS năm 2015 quy định.

Cũng như, trong giai đoạn soạn thảo BLHS năm 2015 thì còn tồn tại hai loại ý kiến, ý kiến thứ nhất cho rằng quy định TNHS đối với pháp nhân thì loại trừ TNHS đối với cá nhân có liên quan; ý kiến thứ hai cho rằng việc quy định TNHS đối với pháp nhân không loại trừ TNHS đối với cá nhân[25]. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá cũng như học hỏi kinh nghiệm xây dựng TNHS đối với pháp nhân tại một số nước trên thế giới, các nhà lập pháp đã kết luận tại Khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định “2. Việc pháp nhânthương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Bởi lẽ, việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân (khoản 2 Điều 75. Điều kiện chịu TNHS của pháp nhân).Do vậy, trong quá trình áp dụng, giải quyết vụ án hình sự về tội có quy định TNHS của pháp nhân, trước hết, cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội và trách nhiệm của cá nhân hoặc pháp nhân (nếu có), trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì phải xử lý hình sự đồng thời cả cá nhân và pháp nhân về tội phạm mà họ đã thực hiện. Trường hợp phát hiện tội phạm xảy ra, mà ban đầu mới xác định được trách nhiệm của pháp nhân, thì khởi tố vụ án, khởi tố pháp nhân phạm tội, sau đó tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý hình sự cá nhân liên quan – người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm việc xử lý TNHS đối với cá nhân, pháp nhân được toàn diện, triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm và cá nhân, pháp nhân phạm tội.

+ Về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân, loại tội mà pháp nhân phải chịu TNHS trong BLHS năm 2015:

Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới được đặt ra, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn về chế định này, do vậy việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHStrong BLHS 2015 đã thể hiện sự thận trọng, phù hợp, trên cơ sở đánh giátính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những hành vi vi phạm xảy ratrong thực tiễn để quy định trong BLHS nhằm xử lý hành vi phạm tội. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, trước mắt, xác định phạm vi các tội danh mà pháp nhân phạm tội phải chịu TNHS chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế và tội phạm về môi trường, đây là những tội danhmà pháp nhân thường hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Trên tinh thần đó, Điều 76 của BLHS năm 2015 đã quy định 31 tội danh, trong đó, 22 tội thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 09 tội thuộc Chương XIX. Các tội phạm về môi trường, nếu phạm một trong các tội này, thì pháp nhân phải chịu TNHS. Cụ thể:
Một là, tại Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, BLHS năm 2015 quy định 22 tội pháp nhân phải chịu TNHS, gồm các điều luật quy định tại Khoản 1 Điều 76 BLHS năm 2015:“1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);”
Hai là, tại Chương XIX. Các tội phạm về môi trường, BLHS năm 2015 quy định 09 tội mà pháp nhân phải chịu TNHS, gồm các điều luật quy định tại Khoản 2 Điều 76 BLHS năm 2015 quy định: “2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại)”.

Nhìn chung, đây là những tội mà thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua đã diễn ra rất phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại đối với xã hội, với nhân dân do pháp nhân gây ra là rất lớn. Đồng thời, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ta là thành viên (như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC), Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC)[26], Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, các điều ước quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố), cũng như phù hợp với trình độ lập pháp của một số nước trên thế giới có quy định TNHS đối với pháp nhân, theo đó đều quy định TNHS đối với pháp nhân trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Đối với các nước khi xem pháp nhân là chủ thể tội phạm đều thừa nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm về kinh tế, môi trường như Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan... Hơn nữa, đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh... giá trị lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, đây là nguyên nhân của các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cho nên các chế tài về xử phạt hành chính, kinh tế là chưa đủ mạnh. Nước ta đã nội luật hoá một số quy định quốc tế đối với môi trường, kinh tế, các tội phạm xuyên quốc gia. Với 31 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tương đối bao quát, đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân trong thực tiễn hiện nay.

Điểm chung trong các điều luật quy định tội danh cho pháp nhân (31 điều luật) là quy định song song giữa TNHS của cá nhân con người phạm tội với TNHS của pháp nhân, ví dụ như tại Điều 243 – Tội hủy hoại rừng: Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 243 quy định TNHS của cá nhân con người phạm tội khi có một trong các hành vi vi phạm mà BLHS quy định; Khoản 5 Điều 243 quy định TNHS của pháp nhân, dựa trên những dấu hiệu pháp lý hành vi và hậu quả được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 243 BLHS năm 2015.

+ Về hình thức hình phạt, loại hình phạt, các biện pháp tư pháp và điều kiện áp dụng đối với pháp nhân phạm tội: so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 có bước phát triển hoàn toàn mới khi lần đầu tiên quy định một cách cụ thể các loại hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với chủ thể mới của pháp luật hình sự là pháp nhân, cụ thể là từ Điều 77 đến Điều 82 BLHS năm 2015 gồm: phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78), đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80), cấm huy động vốn (Điều 81) và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhânthương mại phạm tội (Điều 82). Các loại hình phạt này được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều 9[27] và Điều 83[28]BLHS năm 2015.

Ngoài ra, một trong những điểm mới khác được bổ sung, sửa đổi trong BLHS năm 2015 đó là xây dựng điều khoản về quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân phạm nhiều tội (Điều 86 BLHS năm 2015), tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân (Điều 87 BLHS năm 2015), xây dựng điều khoản về miễn hình phạt (Điều 88 BLHS năm 2015), và xây dựng quy định về xóa án tích cho pháp nhân (Điều 89 BLHS năm 2015). Trong đó, việc quy định về xóa án tích cho pháp nhân dựa trên tinh thần những quy định về xóa án tích đối với cá nhân con người cụ thể được quy định tại Chương X của BLHS năm 2015, theo đó Điều 89 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”, so với xóa án tích đối với cá nhân con người phạm tội cụ thể thì phạm vi được xóa án tích của pháp nhân hẹp hơn, điều này xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra bởi hành vi phạm tội của pháp nhân cho xã hội là rất lớn, cho nên thu hẹp phạm vi được xóa án tích cũng thể hiện được tính răn đe, nghiêm khắc trong xử lý đối với pháp nhân phạm tội.

+ Quy định về tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân. Theo đó, vì là chủ thể của pháp luật hình sự cho nên cũng như việc quy định TNHS đối với cá nhân con người, thì một trong những điểm mới của BLHS năm 2015 với BLHS năm 1999 đó là lần đầu tiên BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân (Điều 84), và các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân (Điều 85), trong đó đều có quy định nguyên tắc “Các tình tiết giảm nhẹhoặc tình tiết tăng nặng đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng trong khi quyết định hình phạt”. Bởi lẽ, truyền thống xây dựng BLHS từ trước đến nay, đều quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ cho cá nhân con người phạm tội cụ thể, nay BLHS năm 2015 tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm loại chủ thể luật hình sự mới là pháp nhân thì cũng phải quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ áp dụng đối với pháp nhân phạm tội., như vẫn đang quy định đối với cá nhân con người phạm tội. Thông qua đó, có thể thấy việc quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ này trong BLHS năm 2015 thể hiện rõ được tính nghiêm khắc trong xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân, cũng như thể hiện được tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời thể hiện được tính hợp lý và nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong xử lý tội phạm giữa hai loại chủ thể pháp luật hình sự là cá nhân và pháp nhân.

4.3. Một số quy định mới trong BLTTHS năm 2015 về pháp nhân

Khi BLHS năm 2015 được ban hành, trong đó có những điều khoản quy định TNHS đối với pháp nhân thì một trong những yêu cầu được đặt ra đó là cần thiết sớm sửa đổi BLTTHS theo hướng bổ sung vào loại chủ thể tham gia tố tụng hình sự là pháp nhân. Trên tinh thần đó, nước ta đã ban hành BLTTHS năm 2015 với những quy định dành cho chủ thể là pháp nhân, đây là những điểm mới hoàn toàn so với BLTTHS năm 2003. Cụ thể:

- Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm diện người tham gia tố tụng hình sự:

+ BLTTHS năm 2003: quy định những người tham gia tố tụng gồm: người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người giám định; người phiên dịch.

+ BLTTHS năm 2015: nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án hình sự thời gian qua, BLTTHS năm 2015 bổ sung 09 diện người tham gia tố tụng, gồm: (1) Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; (2) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; (3) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; (4) Người bị bắt; (5) Người chứng kiến; (6) Người định giá tài sản; (7) Người dịch thuật; (8) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; (9) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội. Đồng thời, Bộ luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia tố tụng.

Trong đó, lần đầu tiên BLTTHS năm 2015 quy định bị can, bị cáo là người hoặc pháp nhân, cụ thể:

Khoản 1 Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định: “1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.
Khoản 1 Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định: “1. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.

BLTTHS năm 2015 cũng đồng thời quy định quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

- Thứ 2, điểm bổ sung lớn nhất được quy định trong BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 đó chính là các nhà lập pháp đã xây dựng hẳn một chương riêng là Chương XXIX – Thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân, từ Điều 431 đến Điều 446 BLTTHS năm 2015. Cụ thể:

+ Điều 431 BLTTHS năm 2015 quy định phạm vi áp dụng BLTTHS đối với pháp nhân: “Thủ tục tố tụng đối với pháp nhân bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”, như vậy với tư cách là chủ thể của pháp luật tố tụng hình sự, pháp nhân thông qua người đại diện theo pháp luật[29] có quyền và nghĩa vụ tham gia đầy đủ vào các giai đoạn tố tụng hình sự được quy định tại Điều 434 BLTTHS:

“1. Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng”
Ngưởi đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia vào trong tố tụng hình sự được BLTTHS năm 2015 quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể tại Điều 435, hay nói cách khác pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng như người bị buộc tội. Các quyền và nghĩa vụ tố tụng này được thực hiện thông qua người đại diện.

+ Điều 432[30], Điều 433[31] BLTTHS năm 2015 quy định việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với pháp nhân, trên cơ sở các quy định về khởi tố vụ án, khởi tố bị can áp dụng đối với cá nhân, con người phạm tội cụ thể.

+ Tại các Điều 436 đến Điều 439 BLTTHS năm 2015 quy định một số biện pháp cưỡng chế áp dụng với pháp nhân phạm tội nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được diễn ra bình thường như:

“a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án” (Điều 436 BLTTHS năm 2015).
+ Một trong những vấn đề được xem xét trước khi quy định pháp nhân là chủ thể của pháp luật tố tụng hình sự chính là việc chứng minh những nội dung quan trọng để định tội danh đối với pháp nhân, đó là các yếu tố hành vi phạm tội, yếu tố lỗi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi – hậu quả, cũng giống như đối với chủ thể phạm tội là cá nhân con người cụ thể

Điều 441 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự.

2. Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân.

3. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.

4. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt.

5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội”.

+ Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 còn quy định tại Điều 444 về thẩm quyền xét xử của Tòa án, theo đó, Tòa án có thẩm quyền xét xử với pháp nhân được quy định là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

Trên đây là nội dung bài viết về một số điểm mới được quy định trong BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015 về TNHS đối với pháp nhân. Đánh dấu sự tiến bộ của công tác lập pháp của nước ta trong tiến trình cải cách tư pháp do Đảng đề xướng và lãnh đạo, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đặt ra và xu thế hội nhập quốc tế.

Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề mới được đặt ra, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn về chế định này. Do vậy việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại thực hiện cần thận trọng, có các bước đi phù hợp, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những vi phạm xảy ra trong thực tiễn để quy định trong BLHS nhằm xử lý hành vi phạm tội. Việc pháp nhân phạm tội không loại trừ TNHS của cá nhân ( khoản 2 Điều 75, Điều kiện chịu TNHS của pháp nhân). Do vậy trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội của cá nhân hoặc pháp nhân (nếu có), trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì cần xử lý hình sự cả cá nhân và pháp nhân về tội mà họ đã thực hiện. Như vậy việc xử lý tội phạm mới triệt để, toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm và cá nhân, pháp nhân phạm tội.

Thông qua bài viết, tác giả mong muốn góp phần đưa những nội dung mới này đi sâu vào trong thực tế cuộc sống, góp phần vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm do pháp nhân gây ra nói riêng, tội phạm nói chung./.

ThS. Nguyễn Xuân Thanh
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng 
ThS. Bùi Thế Phương
Viện kiển sát Nhân dân thị xã An Nhơn- Bình Định

                               DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) (2015), Bản thuyết trình chi tiết Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Hà Nội, tr. 22.
2. Bộ luật Dân sự năm 2005.
3. Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
5. Bộ luật Hình sự năm 2015.
6. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
7. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
8. Công ước chống tham nhũng (Công ước UNCAC).
9. Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC).
10. Công ước chống tra tấn năm 1984/
11. Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961.
12. Công ước về các chất hướng thần năm 1971.
13. Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988.
14. Đinh Bích Hà (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, NXB Tư pháp, Hà Nội.
15. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hòa chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
16. Hoàng Lam (2013), “Vụ chôn thuốc trừ sâu: Victex vận chuyển chất thải khỏi hiện trường”, [http://www.tienphong.vn/xa-hoi/654765/vu-chon-thuoc-tru-sau-nicotex-van-chuyen-chat-thai-khoi-hien-truong-tpov.html], (truy cập ngày 15/1/2016).
17. Lê Cảm (2000), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Tòa án, số 4, Hà Nội.
18. Lê Cảm, Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng hình sự, Tạp chí kiểm sát số 02 (2004).
19. Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật Hình sự (phần chung), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.
20. Lê Văn Đài (2015), “Có nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân”, [http://baochinhphu.vn/Lay-y-kien-Nhan-dan-ve-du-thao-Bo-luat-Hinh-su-sua-doi/Co-nen-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan/232182.vgp], (truy cập ngày 19/01/2016).
21. Lưu Văn Cường (2015), Vấn đề xử lý hình sự pháp nhân trong dự thảo Bộ Luật Hình Sự (sửa đổi), [http://tkshcm.edu.vn/bai-viet/van-de-xu-ly-hinh-su-phap-nhan-trong-du-thao-bo-luat-hinh-su-sua-doi-372.html], (truy cập ngày 22/01/2016).
22. Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000.
23. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp.
24. Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 22/3/2014 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2014.
25. Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
26. Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Khoa Luật trường Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
27. Nguyễn Thị Vinh (2013), “Diễn đàn đối thoại chính sách về “Pháp luật hình sự trong thời kỳ hội nhập tại Việt Nam”, [http://www.moj.gov.vn/tcdcpl/tintuc/Lists/TinTucSuKien/View_detail.aspx?ItemID=388], (truy cập ngày 15/01/2016).
28. Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Anh Tuấn (2011), Sự cần thiết quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 195.
29. PV (2010), “Xử phạt hành chính nhà máy cồn rượu – Công ty đường Quảng Ngãi”, [http://www.baoquangngai.vn/channel/2024/201009/Xu-phat-hanh-chinh-Nha-may-con-ruou-Cong-ty-duong-Quang-Ngai-1959945/], (truy cập ngày 15/01/2016).
30. Sở tài nguyên và môi trường Tp. Hồ Chí Minh, Ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng Sài Gòn Petro Cát Lái, [http://hepa.gov.vn/], (truy cập ngày 18/01/2016).
31. Thanh Nhật (2009), “Vedan là thủ phạm giết sông Thị Vải”, [http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vedan-la-thu-pham-giet-song-thi-vai-2150486.html], (truy cập ngày 15/01/2016).
32. Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi).
33. Trường ĐH Luật Hà Nội (2002), Giáo trình luật Hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội, tr.164.
34. Văn Hào (2013), “Chưa ngăn chặn được nạn nhập khẩu trái phép phế liệu”, [http://www.baohaiquan.vn/pages/van-nan-giai-viec-ngan-chan-nhap-khau-trai-phep-phe-lieu.aspx], (truy cập ngày 28/11/2013).
35. Văn Hòa (2012), “Những pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự”, [http://congtyluathungnguyen.com/nhung-phap-nhan-nao-phai-chiu-trach-nhiem-hinh-su/], (truy cập ngày 16/01/2016).
ThS. Nguyễn Xuân Thanh Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ThS. Bùi Thế Phương Viện kiển sát
http://vksbinhdinh.gov.vn/newsdetail.asp?newsID=10835&cat1id=3&Cat2id=7
7/25/2017 10:23:06 PM
Các tin liên quan
Mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015  (2009)
Có bao nhiêu hình phạt với tội phạm  (960)
Những hành vi giết người sẽ bị tử hình theo luật mới  (1006)
Vì sao người được miễn trách nhiệm hình sự, người phải ngồi tù?  (1182)
Thủ tục 'đặt tiền đảm bảo' để không bị bắt giam theo quy định mới  (981)
Thủ tục 'đặt tiền đảm bảo' để không bị bắt giam theo quy định mới  (918)
Bị can khác bị cáo thế nào?  (945)
Thế nào là bán dâm?  (1020)
Tạm giam, tạm giữ khác nhau thế nào?  (1076)
Khi nào được hoãn, miễn đi tù?  (1000)
16 diện phạm nhân không được đặc xá năm 2016  (968)
Bảng so sánh điều Luật giữa Bộ Luật hình sự năm 2015 với Bộ Luật hình sự năm 1999 (Đã sửa đổi, bổ sung)  (1267)
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015  (1053)
Những bất cập của Nghị quyết 01/2010 ngày 22/10/2010 của HĐTP TATC khi áp dụng xử lý hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá  (962)
5 hành vi quấy rối tình dục trẻ em sẽ bị phạt tù theo quy định mới  (85)
Người chưa thành niên phạm tội bị xử lý thế nào từ ngày 1/7  (62)
5 tội sẽ 'biến mất' từ ngày 1/7  (69)
34 tội mới sẽ áp dụng từ ngày 1/7  (53)
Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử những án gì  (238)
Những tội không còn án tử hình từ ngày 1/7  (54)
Công an được bắt người trong những trường hợp nào từ ngày 1/7  (43)
Bộ Tư pháp lý giải việc hình sự hóa kinh doanh trên mạng  (17)
Từ 01/7/2016: Ngoại tình dẫn đến ly hôn bị phạt tù đến 01 năm  (245)
Vay mượn rồi cố tình không trả nợ: Trước mắt chưa hình sự hóa  (213)
Mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015  (77)
Những hành vi giết người sẽ bị tử hình theo luật mới  (189)
Giam oan gần 4 năm, bồi thường 252 triệu đồng  (286)
4 lưu ý quan trọng về hiệu lực của Bộ luật hình sự 2015  (570)
Chết trong lúc bị tạm giữ, bồi thường tổn thất tinh thần 360 tháng lương  (2525)
THAM GIA TRANH TỤNG VỤ ÁN HÌNH SỰ TẠI TÒA ÁN CÁC CẤP  (2191)
Trụ sở chính: 5/94/8 Lê Quang Chiểu, P An Thới, Q. Bình Thủy, TP Cần Thơ
Địa chỉ giao dịch: 580 - Cách Mạng Tháng 8 - Phường Bùi Hữu Nghĩa - Quận Bình Thủy - Thành Phố Cần Thơ
Điện thoại: (0907) 487583 - 0292.388.7456 © 2013 Văn Phòng Luật Sư Thanh Liêm
Thiết kế bởi: seotop5.vn